Đăng cái ảnh thằng con trai lên facebook mà bạn bè bình phẩm quá. Vẻ
đẹp hình thể ai cũng thích nhưng không phải của hiếm, vẻ đẹp trí tuệ quý hiếm
hơn. Nhưng rắc rối ở chỗ không phải ai cũng nhận ra được vẻ đẹp trí tuệ. Cuốn
Bóng tối của ánh sáng của tôi vì bàn những chuyện lớn nên để
được ra đời đã có sự giám định chặt chẽ. Người giám định cuối cùng là một
tiến sĩ triết học, từng là học sinh đoạt giải thưởng quốc gia toán phổ thông,
nghĩa là rất giỏi. Chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội, không ngờ ông bạn nói: “Tôi
có thể tự hào là một trong vài người ở Việt Nam đọc hiểu hết cuốn sách của
anh”. Cuộc đời có được những lời khen như vậy cũng thú vị thật. Nhưng tôi vốn
là người lo cho người thân nhiều hơn nên ai khen con tôi tôi thấy thích hơn
nghe khen mình. Sau đây có thể là một ví dụ về vẻ đẹp trí tuệ. Khi đọc lại
chính bản thân tôi đây cũng ngạc nhiên sao tôi lại kỳ công viết ra như thế,
như bạn bè và vợ tôi thường nói, chỉ có “hâm” thì mới có đủ say mê mà hành
xác như vậy mà thôi!
|
ĐÔNG LA
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy
– Hãy tự biết mình
BÀI LIÊN QUAN: |
Trên thethaovanhoa.vn trong
bài Tiến
sĩ Nguyễn Thị Từ Huy: Để đi đến sự thật, cần biết tự hoài nghi , cô đã nói:
“Tiểu thuyết mới và Robbe-Grillet đã cuốn hút tôi, bởi sự khó hiểu, tính chất
phức tạp và sự khác biệt của nó”.
Như vậy, Từ Huy đã bị cuốn hút bởi những
cái “mới”; “khó hiểu”, “phức tạp”. Âu cũng là lẽ thường tình của một
người tự tin, muốn phấn đấu vươn lên, chứng tỏ mình. Tôi cũng từng như vậy, vì
tò mò tôi cũng đã tìm hiểu, nhưng không chỉ lý luận văn học mà còn tất cả những
gì làm nên nhận thức của nhân loại, từ lý luận văn học, triết học, cho đến khoa
học, đặc biệt là những khám phá mới nhất, như về hạt Higgs hoặc máy
tính lượng tử. Còn Từ Huy, e rằng cô chỉ chạy theo cái lấp lánh của những
khái niệm, cô đã không tỉnh táo để thấy cái mang danh là “mới” ấy nhưng về thời
gian thì cũng đã cách nay nửa thế kỷ rồi; và nội dung của nó lại cho
những cái cốt yếu nhất của văn chương như “Nhân vật, cốt truyện, dấn thân
v.v…” là “lỗi thời”!
Nước Pháp và mấy nước Châu Âu vốn là
những nước háo danh, người ta đã thi nhau đưa ra đủ thứ trường phái, rồi ai cũng
tự cho mình là sáng tạo đích thực, là chân lý nghệ thuật. Khởi đầu là trong hội
họa người ta đã cho việc vẽ giống thật là sao chép tầm thường, Chủ nghĩa Ấn
tượng đã ra đời. Các hoạ sĩ cho rằng phải vẽ ngoài trời mới thu giữ được
những khoảnh khắc thoáng hiện của hiện thực sống động. Monet khi vẽ nhà thờ
Rouen đã chú
trọng thể hiện sự chiếu sáng khác nhau mà không quan tâm lắm đến đường nét. Picasso
chê: “Làm sao cái chốc lát đổi thay chập chờn bên ngoài sự vật lại có thể là
sự thật duy nhất mà người nghệ sĩ một đời theo đuổi”. Và, Chủ nghĩa Lập
thể hình thành với ý muốn thể hiện được “cái bên trong” và cái “nhiều
mặt” của sự vật, với một ngôn ngữ hội họa là những hình khối, những mặt
phẳng. Rồi đến lượt Chủ nghĩa Lập thể cũng lại bị chê là đã coi thường
hình thể hài hoà của tự nhiên. Chủ nghĩa Đađa, một chủ nghĩa “phá
phách”, cho nghệ thuật chính là sự phá vỡ cái cũ, chống lại trật tự
tự nhiên để tạo ra một trật tự mới, trật tự của những cái phi lý. Theo Arp:
“Định luật của cái ngẫu nhiên là định luật bao trùm lên tất cả mọi định luật”.
Chủ nghĩa Siêu thực thoát thai từ Chủ nghĩa Đađa, trong Tuyên ngôn
Siêu thực, Breton cho “hình ảnh siêu thực” chính là sản phẩm trùng
hợp giữa hai thực tế khác nhau, một thực tế có thực và một thực tế có trong
tiềm thức. Nó không phải được tạo ra do lý trí mà do một tia sáng, một động lực
siêu thực. Theo ông, hình ảnh gợi cảm nhất là hình ảnh cực kỳ phi lý, phải thật
khó giải thích theo ngôn ngữ thông thường. Nhưng đến lượt Chủ nghĩa Siêu
thực cũng lại bị chê bởi một trong những chủ soái của một chủ nghĩa khác: Chủ
nghĩa Hiện sinh, Camus viết: “Thật là một cuộc nổi loạn thực sự…
Sự phủ nhận của nó với mọi cái là rõ nét, sắc bén và đầy tính khiêu khích”!
(dẫn theo cuốn : “Những bậc thầy văn chương thế giới tư tưởng và quan niệm,
Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình soạn, nxb Văn học, 1995; cả cuốn về Mỹ thuật hiện
đại nữa, tìm mãi chưa ra).
Như vậy cái nào là chân lý nghệ thuật?
Hay sự sáng tạo văn chương nghệ thuật đã bị biến thành trò chơi, thay đổi như
“mốt” thời trang? Còn Từ Huy? Trong cái khối rubic các trường phái kia, cô cũng
nhanh tay chọn lấy một “chân lý”? Khi được hỏi:
- Luận án … của chị về trào lưu
“tiểu thuyết mới”, … ở Pháp vào các thập kỷ 1960-1970, … Lý do nào khiến chị
đặc biệt quan tâm đến trào lưu này? Phải chăng vì nó phản ánh một cách nhìn
khác về thực tại, báo hiệu và mở đường cho tư duy “hậu - hiện đại” ngày nay?
Từ Huy trả lời:
- Tiểu thuyết mới và
Robbe-Grillet đã cuốn hút tôi, bởi sự khó hiểu, tính chất phức tạp và sự khác
biệt của nó so với những hình thức văn học mà tôi từng biết trước đó. Nếu tiểu
thuyết mới còn tiếp tục cuốn hút tôi, thì đó không chỉ vì những đặc trưng hình
thức: tính chất mảnh, tính chất phân rã, sự phá sản của cái gọi là đại tự sự...
Như vậy, chế độ “đại tự sự”
XHCN ở Việt Nam, đã đầu tư cho một nghiên cứu sinh say mê nghiên cứu “sự phá
sản” của chính mình! Thật là ngược đời, để cuốn theo cái niềm say mê đó, có lẽ
Từ Huy nên nhận “học bổng” của những người chống chế độ thì phù hợp hơn.
Vậy “đại tự sự” là gì?
Chủ nghĩa Hậu hiện đại có khái niệm métarécit, dịch
sang tiếng Anh là metanarrative, có người dịch là siêu văn bản, có
người dịch là đại tự sự (như Từ Huy dùng).
Theo Lyotard, tinh thần hậu hiện
đại sinh ra là để chống lại sự độc tài của các chủ thuyết mà ông gọi là các siêu
văn bản (métarécit). Chủ nghĩa Hậu hiện đại coi trọng vai trò cá
nhân, các nhóm, các lý thuyết nhỏ, những tiểu văn bản (petits récits),
đề cao cái tạm thời, cái ngẫu nhiên, không coi trọng tính ổn định, tính hợp lý
hay sự thật khách quan. Trong đó tất cả mọi ý kiến đều có quyền hiện diện, kể
cả sự bất đồng và nói sai (paralogie). Lyotard viết: "Nói một cách giản
dị nhất, người ta coi "postmoderne" là sự không tin vào những lý
thuyết lớn, siêu văn bản (métarécits) (ý nói những chủ nghĩa)”.
Trong bài CHỦ
NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI VÀ ẢNH HƯỞNG Ở NƯỚC TA tôi đã viết: “Chủ nghĩa
Hậu hiện đại cũng như mọi trào lưu đã xuất hiện khác đều có phần có lý. Tư
tưởng chống giáo điều, chống khuôn mẫu xơ cứng, áp đặt, đấu tranh cho bình
đẳng, dân chủ, vai trò cá nhân; phá vỡ những quy phạm nghệ thuật mòn cũ… là
những mặt tốt. Nhưng ở ta, tiếp thu nó với ý thức mê muội, nô lệ, đề cao một cách
phi lý, áp dụng một cách cực đoan thì khó mà được ủng hộ rộng rãi. Về mặt tư
tưởng, sự cực đoan theo tinh thần hậu hiện đại sẽ dẫn đến sự hỗn loạn vô chính
phủ… Trong văn chương nghệ thuật, sự cực đoan của chủ nghĩa hậu hiện đại
sẽ biến nó thành trò chơi lập dị, vô nghĩa”.
Tiếc rằng Từ Huy đúng là đã chạy theo
những tín điều nghệ thuật như mốt thời trang mà không đủ trình độ để “tự biết”,
cô nói về Tiểu thuyết mới:
“Sức hấp dẫn của nó đối với tôi
chính là ở cái chiều sâu mà Robbe- Grillet đã vờ như từ chối, ở tính chất đa
phức, khó khái quát lại thành các công thức hay khuôn mẫu. Thực ra trong cách
nhìn của Tiểu thuyết mới, cũng như trong cách nhìn của hiện tượng học, chiều
sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó, tương tự như bản chất của
sự vật chính là ở trong hiện tượng mà nó biểu hiện. Đấy là lý do vì sao
Robbe-Grillet và tiểu thuyết mới đề cao cái bề ngoài. Đây chính là một cái nhìn
khác về thực tại”.
Hồi nhỏ tôi đã xem một bộ phim có cảnh
hai đứa trẻ học bài trở thành rất nổi tiếng hồi ấy: “Rắn là loài bò, rắn là
loài bò, sát không chân, sát không chân”. Giờ đây đọc đoạn văn trên tôi lại
thấy có một cô TS cũng nói như thế.
Trong xã hội loài người, cái điều có
rất nhiều hiện tượng và bản chất không trùng nhau đã là hiển nhiên. Như việc tên
kẻ cướp giết người cướp của thì hành động giết người đúng là ác, nhưng hành động
bắn tử tội hoặc quân xâm lược thì cũng là giết người nhưng bản chất lại là việc
thiện. Trong toàn bộ hành trình vươn tới những nấc thang khác nhau của nền văn
minh, công việc chủ yếu của loài người là vén bức màn hiện tượng để nhìn sâu
vào bản chất, kể cả những sự việc trong xã hội lẫn những sự vật trong tự nhiên.
Nếu Từ Huy tin theo điều “chiều
sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó” thì hai chất cùng là
muối của Natri (Na) và cùng là bột màu trắng: Clorua Natri
(NaCl) và Cyanua Natri (NaCN). Chúng đều “trắng” đấy, theo
“thuyết” trên thì chúng sẽ cùng “bản chất”, nhưng Từ Huy thử cho NaCN
vào nồi canh thay cho NaCl mà ăn thử xem có sùi bọt mép ra ngay lập tức không?
Có điều viết như trên, cho đó là “cách
nhìn của hiện tượng học”, thì Từ Huy lại “không biết” gì về Hiện
tượng học cả. Hiện tượng học không có phân chia bản chất với hiện
tượng theo lẽ thường, nên không có chuyện đồng nhất hai cái như trên.
Hiện tượng học không
chỉ là “mốt” của nhóm “văn sĩ chuộng lạ” ở nước ta, mà ngay cả Kundera cũng
từng lấy nó làm cơ sở triết lý cho văn chương của mình. Trong cuộc trò truyện
với Christian Salmon, Kundera nói: “Thi sỹ là anh chàng trẻ tuổi được mẹ dắt
tay đến trưng bày trước cái thế giới mà anh ta không thể bước vào được".
Anh thấy đấy, định nghĩa ấy không phải là xã hội học, không phải là mỹ học,
cũng chẳng phải tâm lý học”. C.S: “Nó là hiện tượng học”. M.K:
“Tính từ này không tồi, nhưng tôi tự cấm mình dùng. Tôi quá sợ các vị giáo
sư coi nghệ thuật chỉ là một thứ phái sinh của các trào lưu triết học và lý
thuyết. Tiểu thuyết biết đến cõi vô thức trước Freud, biết đến đấu tranh giai
cấp trước Marx, nó thực hành hiện tượng học (cuộc tìm kiếm bản chất các tình
huống của con người) trước các nhà hiện tượng luận. Tuyệt vời biết bao các “cảnh
mô tả kiểu hiện tượng học” ở Proust là người chưa từng biết một nhà hiên tượng
học nào!”
Vậy Hiện tượng học là gì? Có lẽ cũng cần bỏ chút thì giờ phân tích đôi nét chính của một trào lưu có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa tư tưởng các nước phương Tây trong thế kỷ XX.
Vậy Hiện tượng học là gì? Có lẽ cũng cần bỏ chút thì giờ phân tích đôi nét chính của một trào lưu có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa tư tưởng các nước phương Tây trong thế kỷ XX.
Husserl, người sáng lập ra Hiện
tượng học, cho rằng hệ thống triết học cả duy tâm lẫn duy vật
đã bỏ quên con người, vì thế ông muốn sáng lập một trường phái triết học mới
mang ý nghĩa nhân sinh: “nhiệm vụ của nó là làm rõ cảm giác của con người
về thế giới này”. Đặc thù của Hiện tượng học là mô tả sự tự sinh
của ý thức, cái ý thức luôn hướng về đối tượng nào đó (tính cố ý, ý
hướng tính), rồi sẽ nhận thức đối tượng đó bằng cảm tính chủ quan của
mình, ban bố cho nó ý nghĩa. Sẽ không có duy tâm hay duy vật theo lý thuyết cũ
mà chỉ có trạng thái nối liền liên khách chủ thể (Relation sujet-objet),
đó chính là cái trạng thái mà Husserl gọi là sự suy tư về chính chủ thể suy
tư. Nếu Descartes cho sự tồn tại của con người là sự suy tư "Cogito,
ergo sum" thì Hiện tượng học của Husserl còn đi xa hơn: “Cogito,
ergo cogito cogitatum”. Nghĩa là suy tư về cái tôi khi nó suy tư về sự
suy tư. Sự suy tư đó chính là những hiện tượng tự sinh trong ý
thức. Và để nắm bắt được ý thức thuần tuý, Husserl đã đưa ra phương pháp epoché (έποχή) hoặc "bracketing"
(cô lập, để trong
ngoặc) đối tượng nhận thức. Theo Từ điển, “Ý thức thuần túy” theo
Husserl là: “sự gột rửa của ý thức khỏi những sơ đồ, những giáo điều, những
khuôn mẫu tư duy”. Đó là “tái tạo trường tư tưởng trực tiếp, trường các
ý nghĩa giữa ý thức và đối tượng”. Khi ấy ý thức và đối tượng gắn chặt với
nhau thành một đối tượng duy nhất và có tính lưỡng diện - đứng về phía chủ thể
thì gọi là noèse, đứng về phía đối tượng thì gọi là noème. Chính Husserl
đã diễn giải quá trình đó đại ý: Trong trạng thái ấy chủ tri dừng ngay
mọi phán đoán có liên quan, đặt đối tượng trong ngoặc, chỉ hướng tới những gì
là bản chất nhất của nó, như tri giác về “ngôi nhà” thì vẫn là tri giác về
“ngôi nhà”, “ngôi nhà được nhận thức”, ngôi nhà được đặt trong ngoặc, tự thân
nó vẫn sống động, chẳng hạn như các quang cảnh về, dáng-vẻ-ở-một-khoảng cách
từ, v.v…, và chúng sản sinh ra ý thức vẫn về chính ngôi nhà đó, lưu giữ một
cách chân xác mỗi loại tư duy, mỗi loại “tôi trải nghiệm”, “tôi tư duy”, “tôi
cảm nhận”, “tôi mong muốn” về ngôi nhà đó, v.v…
Tóm lại, theo từ điển Triết học, Hiện tượng học là “Khuynh
hướng duy tâm chủ quan” nhưng theo “kiểu” riêng của Husserl.
Như vậy, ta thấy Hiện tượng học
có thể có ý nghĩa khi ta khuôn nó trong một phạm vi nghiên cứu riêng về phân
tích tâm lý: trước cùng một sự vật hoặc sự việc, tùy theo từng người, sẽ “tự
sinh” các cảm nhận khác nhau. Nó có thể rất có ích cho các nhà văn xây dựng
chiều sâu tâm trạng, thế giới tinh thần phong phú của nhân vật. Còn coi Hiện
tượng học là triết học cao hơn cả duy tâm, duy vật, là chân lý cuộc
sống thì phải xem lại. Bởi con người luôn có tốt, xấu, giỏi, dốt khác
nhau, nhận thức của một thằng kẻ cướp cũng được coi trọng như một nhà phát
minh; xã hội không còn chuẩn mực về tri thức và đạo lý nữa thì sẽ như thế nào?
Chủ nghĩa Hiện sinh ra đời sau Hiện tượng học đã
chịu ảnh hưởng nhiều từ nó. Đó là một chủ nghĩa đề cao tự do cá nhân, cho con người
không phải chịu ràng buộc bởi tự nhiên cũng như xã hội. Khi cực đoan, một số
người đã đua nhau sống theo bản năng, tự nhiên chủ nghĩa, có thời thanh niên ở
một số nước phương Tây đã đua nhau để nguyên râu tóc, lũ lượt kéo nhau lên rừng
sống bằng rau trái, tự nhiên khỏa thân, tự do chung chạ v.v… Sau nữa, Chủ
nghĩa Thực dụng ra đời cũng dựa trên cái Tôi “Không có cái gì gọi là
chân lý khách quan mà chỉ có chân lý của cái tôi. Chỉ có cái gì có lợi cho tôi
sẽ là chân lý”!
Mặt khác, ở câu trên, Từ Huy một mặt
viết: “chiều sâu của sự vật nằm trong chính cái bề ngoài của nó” nhưng
câu liền kề lại viết ngược lại:
“Các nhà tiểu thuyết mới tự nhận
là họ có một cái nhìn chính xác hơn về thực tại. Vì thực tại đôi khi không phải
là cái mà người ta có thể xác quyết chắc chắn; đôi khi nó là cái lẩn đi dưới
cái nhìn của chúng ta, dưới sự phán xét của chúng ta; đôi khi nó không phải cái
mà ta tưởng là nhìn thấy, nắm bắt được hay hiểu rõ. Đó là cái nhìn của một “kỷ
nguyên hoài nghi (từ dùng của Nathalie Sarraute)”.
Trong quá trình nhận thức, khám phá,
nhất là đối với những nhà nghiên cứu thì đúng là cần phải biết “hoài nghi”
các kết quả để không bị lầm lẫn, còn đối với mọi mặt trong xã hội, một xã hội
sống với tinh thần hoài nghi thì sẽ làm được cái gì?
Ngoài việc đề cao, tích cực tuyên
truyền về “Tiểu thuyết mới”, “Hiện tượng học”, “Hậu hiện đại”, v.v…, tôi
cũng rất bị bất ngờ khi Từ Huy cũng lại cố công tuyên truyền về Nietzsche.
Cơ sở để Từ Huy thần phục Nietzsche chính là cuốn Nietzsche
và triết học của Gilles Deleuze mà cô đã dịch và xuất bản qua một
lời giới thiệu: “tôi vui mừng thấy Nietzsche trở lại một cách mới mẻ, hiện
đại hơn với công trình Nietzsche và triết học của triết gia Gilles
Deleuze qua bản chuyển Việt ngữ của Nguyễn Thị Từ Huy và lời giới thiệu trân
trọng, công phu của học giả Bùi Văn Nam Sơn (Tủ sách tinh hoa, NXB. Tri thức,
2010)”.
Vậy Nietzsche là ai?
Theo Từ điển triết học (NXB Tiến
bộ Matxcơva, bản dịch tiếng Việt của Nxb Sự thật Hà nội, 1986, tr.
412): “Học thuyết Nít-sơ đã là một trong những nguồn gốc của hệ tư tưởng
phát-xít”; Theo Bachkhoatoanthu
của BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN: “Friedrich Nietzsche (1844 -
1900), nhà triết học Đức, đại biểu của chủ nghĩa phi lí và ý chí luận, … Chết
trong trạng thái điên”; “CHỦ NGHĨA PHI ĐẠO ĐỨC: quan niệm vứt bỏ mọi tiêu chí
đạo đức, lấy tính vô đạo đức làm nguyên tắc của hành vi”; “và trong sự phát
triển của tư tưởng đó đã sinh ra thuyết "siêu nhân". Ông là người
theo ý chí luận triệt để, cho rằng ý chí quyết định hết thảy, và chính "ý
muốn quyền lực" là động lực quyết định mọi quá trình xã hội và tự nhiên.
Qua những luận đề nói trên, Nitsơ công khai tán dương sự bóc lột, sự đàn áp và
xâm lược, cũng như sức mạnh”; “Những khía cạnh tiêu cực trong triết học của
Nitsơ cũng đã bị bọn phản động khai thác, đặc biệt là bọn Quốc xã”.
Trong bài Phê phán và siêu nhân
được đăng bởi nguyentrongtao, Từ Huy đã “biện minh” cho Nietzsche
như sau: “Phê phán là hành vi dẫn tới sự vượt lên đó, dẫn tới sự hình thành
của siêu nhân. Và bất kỳ ai có khả năng tự phê phán, có khả năng tự hủy diệt mình
đều mang trong mình siêu nhân, hay nói theo cách của Nietzsche, đều là nơi trú
ngụ của siêu nhân. Khi tập trung làm sáng rõ điểm này, Deleuze đã góp phần
“giải oan” cho Nietzsche ở một trong những vấn đề dễ gây hiểu lầm nhất trong
tác phẩm của ông. Siêu nhân, qua lý giải của Deleuze, không phải là kẻ dẫm đạp
lên người khác, không phải là kẻ thống trị những ai yếu hơn[6].
Trái lại, siêu nhân sở dĩ mạnh là vì biết vượt qua chính mình, và biết để cho người
khác vượt qua mình, biết rằng mình chỉ là một giai đoạn “chuyển tiếp”, chỉ là
một “sự suy tàn”, biết chấp nhận tự tiêu vong”.
Theo Đạo Phật: “Thân vô thường,
tâm vô ngã”. Cái “tôi” thực chính là thần thức có thể luân hồi tái sinh qua
nhiều kiếp trong những cái Tôi chiếm hữu mỗi người trong một kiếp. Vì thế cái
Tôi không thực, chỉ là giả tạm, nhưng lại sinh ra tham, sân, si làm khổ người
ta. Cái Tôi luôn có khuynh hướng tự tôn, bành trướng, sinh ra lòng tham không
cùng, nên pháp tu chính của Đạo Phật là chế ngự cái Tôi, là Thiền, là trở về
KHÔNG. Vì thế Đạo Phật có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục đạo đức xã hội, ngoài
ra còn có giá trị về Y học và cả trong khoa học nữa. Trong khi đó, thuyết “siêu
nhân” của Nietzsche lại đề cao cái Tôi một cách cực đoan nên thực sự
là phản giáo dục. Còn chuyện “phê bình và tự phê bình” đã là lẽ tự nhiên của
mỗi sự phát triển lành mạnh, nhưng cái chính là người ta có vượt qua được cái
Tôi để thực hiện phê và tự phê hay không mới là quan trọng. Còn quan niệm về “siêu
nhân” của Nietzsche được Deleuze “giải oan” mà Từ Huy
đã tin theo: “Phê phán là hành vi dẫn tới sự vượt lên đó, dẫn tới sự hình
thành của siêu nhân. Và bất kỳ ai có khả năng tự phê phán, có khả năng tự hủy
diệt mình đều mang trong mình siêu nhân” thực sự là phản thực tiễn và phản
khoa học. Bởi người ta chỉ phê phán cái yếu kém, cái sai, để thành người tốt
hơn, giỏi hơn. Sự phát triển về khả năng và nhận thức là cả một quá trình tích
lũy, mỗi thành tựu đều phải trả giá rất đắt mới có được; mỗi người, mỗi xã hội,
cũng như cả nền văn minh đều phải phát triển trên nền tảng có sẵn đó, có phê
phán là phê phán cái yếu kém, cái sai sót còn tồn tại để tiến lên, chứ “tự
hủy diệt” thì chỉ có thành thằng điên, thành thằng phát-xít (với mỗi cá
nhân) và rớt xuống vực thẳm (với cấp độ xã hội) mà thôi!
Để khách quan, ta hãy xem Will
Durant, “một ông nghè triết học của đại học Columbia”, trong Câu
chuyện Triết học (The Story of Philosophy - Will Durant, Trí Hải và
Bửu Đích dịch, Viện Đại Học Vạn Hạnh, 1971), cho biết Nietzsche đã quan
niệm về thiện ác như sau: “…chàng sẽ không ngần ngại "Ác" (boese)
nếu mục đích của chàng đòi hỏi; "Thiện là gì? Tất cả những gì tăng trưởng
cảm thức quyền lực, ý chí quyền lực, chính quyền lực, ở trong người. Ác là
gì? Là tất cả những gì sinh ra từ sự yếu hèn"”; “Do đó mọi
chiến tranh đều tốt, bất chấp cái ti tiện tầm thường của những nguyên nhân gây
ra nó vào thời đại này”; "một cuộc chiến tranh tốt đẹp sẽ thần
thánh hoá mọi nguyên nhân".
Trong “Zarathustra đã nói như thế”,
chính Nietzsche cũng viết: “Con người cũng như cây cối vậy. Hễ nó
càng muốn vươn lên những vùng trời cao vút và rực sáng bao nhiêu thì những gốc
rễ của nó càng phải đâm sâu vào lòng đất… vào sự ác xấu! Phải, vào sự ác xấu!”
Đất nước ta đến tận hôm nay vẫn là một
nước yếu kém về nhiều mặt. Chúng ta từng ngây ngô nghĩ rằng đã đánh thắng được
Pháp và Mỹ thì ta cái gì cũng làm được. Nhưng thật kỳ lạ, có những cái trong
hiểm nguy, một mất một còn, không chỉ cần ý chí mà đòi hỏi cả trí thông minh
nữa, chúng ta đã làm được những điều mà thế giới nghĩ rằng ta không thể nào làm
được; trái lại, trong cuộc sống thanh bình, có những cái những nước phát triển
làm được thì ta đến hôm nay, và có lẽ còn lâu nữa, vẫn chưa làm được! Chính
vậy, cái chính sách bế quan tỏa cảng ngày nào đã đẩy nước ta đến tận bờ vực của
nghèo khó. Và rồi chính sách mở cửa đã đưa chúng ta đến được những ngày như hôm
nay. Nhưng rồi sự mở cửa cũng có “phản ứng phụ”. Vì vậy, cái chuyện cần phải “gạn
đục khơi trong” để “tiếp thu tinh hoa” của thế giới đã trở thành
hiển nhiên, nghe quen thuộc đến nhàm tai, nhưng thực tế vẫn luôn là một vấn
nạn. Trong biết bao điều tốt đẹp được du nhập vào đất nước luôn có lẫn cỏ dại
và nấm độc, những cái mà không ngăn chặn có thể sẽ dần làm mục ruỗng cả nền
tảng xã hội. Cả ngành truyền thông dường như đang lạc đường khi tối ngày cổ vũ
lối sống tranh đoạt, đề cao cái tôi, với những siêu sao, siêu mẫu thành công dễ
dãi nhờ “khoe hàng” hoặc may mắn. Những cái cao quý, sâu sắc, tinh tế đang bị
những cái nhăng nhít mốt miếc, hot hiếc dồn đến chân tường! Tiếc rằng trong
lĩnh vực tri thức uyên thâm cũng có tình trạng như vậy. Người ta cũng ham của
lạ, cũng chạy theo những khái niệm lấp lánh, kêu beng beng, nhưng thực chất chẳng
hiểu gì về chúng. Mà đúng ra, nếu đủ trình độ và bản lĩnh, người ta vẫn có thể
nhận được những phần tốt đẹp từ Triết thuyết Phê phán của Kant, Hiện
tượng học của Husserl, kể cả Ý chí luận của Nietzsche cũng như Hậu
hiện đại của Lyotard v.v… Tiếc rằng với riêng trường hợp Từ Huy lại không
được như thế. Có một cái gì đó thật nông nổi của một người tôi cao trí thấp đã
khiến cho cô bị sa lầy trong đống chữ, cái tốt không học lại đi học cái dở.
Phải chăng vì thế Từ Huy đã có những hành động và nhận thức lộn ngược, khăng
khăng cho mình là đúng khi ủng hộ và tôn vinh những người mà các cơ quan công
quyền đã xử phạt vì phạm pháp:
“Một số người được nói đến ở đây
là những người đi vào chốn lao tù bằng sự can đảm, bằng lòng cao thượng, nghĩa
hiệp. Họ vào tù để thể hiện tự do của chính họ, và tự do của họ, hay là sự mất
tự do của họ, nếu nhìn từ góc độ khác, là điều kiện cho việc một ngày nào đó
mọi người ở Việt Nam
sẽ có tự do. Theo định nghĩa của Aung San Suu Kyi, họ chính là quốc bảo.
Họ là những Trần Huỳnh Duy Thức, Cù
Huy Hà Vũ, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Lê
Thanh Hải, Đinh Đăng Định… Các vị thẩm phán có thể kết án những con người không
còn sợ hãi đó, đưa họ vào tù, giam cầm thân xác họ. Nhưng không thể giam cầm tự
do của họ”.
Cũng chính vì vậy mà Từ Huy đã bất chấp
Cù Huy Hà Vũ là một đứa con chính người cha là Nhà thơ Huy Cận đã than thở là “bất
nghĩa, bất trung, bất hiếu”; một kẻ có những hành động trái luân thường đạo
lý và phạm pháp khi cho ta tiêu diệt bọn diệt chủng PonPot là “xâm lược
Căm-pu-chia”, đề nghị xóa bỏ ngày lễ thiêng liêng của dân tộc mừng ngày đất
nước toàn thắng, hòa bình và độc lập v.v… nên Từ Huy mới viết ngược ngạo thế
này:
“Xã
hội này có phải đã mất hết ý thức về các giá trị làm người rồi không, mất hết ý
thức về các giá trị nhân đạo rồi không, mất hết ý thức về công lý, lẽ phải rồi
không?”; “Chừng nào pháp luật được dùng để bảo vệ cái xấu, cái ác và chống lại
con người, chừng đó sẽ có xã hội của dã thú” v.v…
Chưa hết, trong sáng tác, Từ Huy cũng đã làm theo cái thẩm mỹ lộn ngược. Theo tôi
đó là cái thẩm mỹ mất nhân tính, bởi nếu còn nhân tính thì người ta phải biết
xấu hổ khi nói đến thô tục, phải biết kinh tởm khi nói đến uế tạp, cặn bã. Năm
1990, khi đi trên đại lộ Nhevxki trung tâm Leningrat, tôi đã quá ngạc nhiên khi
thấy có nhóm họa sĩ trưng bầy tranh trên lề đường được “vẽ” bằng cách dán những
lưỡi lam, vé số, dây thừng v.v… Sau tìm hiểu thì được biết người ta cũng đã có
“cơ sở nghệ thuật” cho cách biểu đạt đó. Suy ngẫm thêm thì thấy trong tự nhiên
có loài hổ, báo chỉ thích ăn thịt tươi, nhưng cũng có loài linh cẩu, kền kền
lại chỉ thích ăn xác thối! Thì ra loài người cũng vậy, cũng có những người có
sở thích thẩm mỹ như linh cẩu, như kền kền! Từ Huy chỉ là kẻ đi sau, thậm chí rất
rất rất sau, nhưng đến như Nguyễn Huy Thiệp cũng mới chỉ trơ lỳ nhân tính,
qua suy nghĩ của nhân vật, cho việc lấy xác thai nhi nấu cho chó ăn “chẳng quan
trọng gì”, hoặc tả mặt người ta đen và tái như da ở “bìu dái”; “lông
chân như lông lợn”; còn Từ Huy thì đã dấn thêm một nấc nữa về phía băng
hoại khi viết:
“Văn chương là dinh dưỡng, là thứ mà ta không thể sống nếu thiếu nó, nó là
cứt”.
Thật kinh tởm khi phải viết những dòng này, nhưng với tinh thần trọng chứng hơn
trọng cung, tôi buộc phải viết. Thực ra ý của Từ Huy nảy ra từ ý của Victor
Hugo: “Cứt giúp mùa xuân làm nở hoa hồng”. Kể cũng ghê ghê nhưng Hugo
viết cứt là phân bón làm nở hoa hồng thì đúng quá. Còn theo cách hành văn như
trên của Từ Huy ta buộc phải hiểu “Văn chương nếu được ví là dinh dưỡng thì
nó là cứt”, vậy cũng có nghĩa là “cứt là dinh dưỡng”! Mà khi đã coi
cứt là dinh dưỡng thì đúng là mất nhân tính rồi!
Thực tế Từ Huy chẳng bao giờ dùng cứt thay cho dinh dưỡng đâu, nhưng bà TS Văn chương
Pháp hạng tối ưu chỉ vì quá dốt về ngôn ngữ nên mới viết như vậy thôi. Cái này
thì đến khả năng tiếng Việt của ông Trần Mạnh Hảo cũng nhận ra cái sai của bà
TS này chứ không cứ gì tôi!
Về quan hệ riêng thì tôi hoàn toàn không biết gì và không liên quan gì đến Từ Huy.
Nhưng những vấn đề liên quan đến “hiện tượng Từ Huy” thì tôi tự thấy thật nghiêm
trọng, nhất là Từ Huy lại đang là một cái tên hot trong giới học thuật,
nên tôi đã phải viết một loạt bài quyết liệt như thế. Bởi tôi e ngại cách nghĩ
của Từ Huy sẽ thành cái “mốt”, mà khi đã thành “mốt” rồi thì đâu cần đúng sai,
phải trái nữa! Như cái “mốt” gầy trơ xương của người mẫu đó, nó phản thẩm mỹ
nhưng người ta vẫn đua theo! Tôi mong bạn đọc hiểu cho, tôi viết với tinh thần
“thương cho roi cho vọt”, chỉ mong Từ Huy và những người noi theo Từ Huy
sớm tỉnh ngộ. Đừng có thân làm tội đời! Chỉ vậy thôi!
TPHCM
18-12-2012
ĐÔNG LA
____________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
*Từ điển Triết học (NXB Tiến bộ Maxcơva
và NXB Sự thật Hà Nội, 1986, bản in tại Liên xô); *Từ điển Triết học
Phương Tây hiện đại (Nxb Khoa học Xã hội, H. 1996); *CÂU TRUYỆN
TRIẾT HỌC (Nguyên tác: The Story of Philosophy - Will Durant - Trí
Hải và Bửu Đích dịch); *NGUYỄN (PHẠM?) MINH LĂNG: Mấy trào lưu triết học
phương Tây (NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, H., 1988);
*NGUYỄN TRỌNG NGHĨA: PHƯƠNG PHÁP HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA E.HUXÉC (Tạp chí
Triết học); *NGUYỄN THỊ MAI HOA: E.HUSSERL (1859 - 1938) - NHÀ HIỆN
TƯỢNG HỌC - Cuộc đời và tác phẩm (Tạp chí triết học) v.v…